Các Thông Số Cơ Bản Về Chất Lượng Nước Thải

Bên cạnh những thông số cơ bản về chất lượng nước mà chúng ta thường gặp trong lĩnh vực cấp nước, trong thành phần của nước thải còn có chứa thêm một số chất bẩn đặc trưng khác do hậu quả của việc sử dụng nước cho các mục đích sinh hoạt, thương mại, công nghiệp,…

Các nhóm nước thải

Hôm nay, Tin Cậy xin giới thiệu đến Quý khách hàng các thông số cơ bản trong nước thải. Gồm 3 nhóm:

chatluongnuocthai

Các chỉ tiêu lý học:

Đặc tính lý học quan trọng nhất của nước thải gồm: chất rắn tổng cộng, mùi, nhiệt độ, độ màu, độ đục,…

Chất rắn tổng cộng

Chất rắn tổng cộng trong nước thải bao gồm các chất rắn không tan hoặc lơ lửng và các hợp chất tan đã được hòa tan vào trong nước.

Trong nước thải đô thị, có khoảng 40-65% chất rắn nằm ở trạng thái lơ lửng. Các chất rắn này có thể nổi lên trên mặt nước hay lắng xuống dưới đáy và có thể hình thành nên các bãi bùn không mong muốn khi thải nước thải có chứa nhiều chất rắn vào một con sông. Một số chất rắn lơ lửng có thể lắng rất nhanh, tuy nhiên các chất lơ lửng ở kích thước hạt keo thì lắng rất chậm hoặc hoàn toàn không thể lắng được. Các chất rắn có thể lắng được là nhũng chất rắn mà chúng có thể được loại bỏ bởi quá trình lắng.

chatluongnuocthai2

Mùi

Việc xác định mùi của nước thải ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt là phản ứng gay gắt của dân chúng đối với các công trình xử lý nước thải không được vận hành tốt. Mùi của nước thải còn mới thường không gây ra các cảm giác khó chịu, nhưng một loạt các hợp chất gây mùi khó chịu sẽ được tỏa ra khi nước thải bị phân hủy sinh học dưới các điều kiện yếm khí.

chatluongnuocthai3

Nhiệt độ

Nhiệt độ của nước thải thường cao hơn nhiệt độ của nước cấp do việc xả các dòng nước nóng hoặc ấm từ các hoạt động sinh hoạt, thương mại hay công nghiệp và nhiệt độ của nước thải thường thấp hơn nhiệt độ của không khí.

chatluongnuocthai4

Nhiệt độ của nước thải là một trong những thông số quan trọng bởi vì phần lớn các sơ đồ công nghệ xử lý nước thải đều ứng dụng các quá trình xử lý sinh học mà các quá trình đó thường bị ảnh hưởng mạnh bởi nhiệt độ. Nhiệt độ của nước thải ảnh hưởng đến đời sống của thủy sinh vật, đến sự hòa tan của oxy trong nước.

Độ màu

Màu của nước thải là do các chất thải sinh hoạt, công nghiệp, thuốc nhuộm hoặc do các sản phẩm tạo ra từ các quá trình phân hủy các chất hữu cơ. Độ màu là một thông số thường mang tính chất định tính, có thể được sử dụng để đánh giá trạng thái chung của nước thải.

chatluongnuocthai5

Độ đục

Độ đục của nước thải là do các chất lơ lửng và các chất dạng keo chứa trong nước thải tạo nên. Đơn vị đo độ đục thông dụng là NTU.

Các chỉ tiêu hóa học và sinh học:

pH

pH là chỉ tiêu đặc trưng cho tính axit hoặc tính bazo của nước và được tính bằng nồng độ của ion hydro (pH = -lg[H+]). pH là chỉ tiêu quan trọng nhất trong quá trình sinh hóa bởi tốc độ của quá trình này phụ thuộc đáng kể vào sự thay đổi của pH. Các công trình xử lý sinh học nước thải thường hoạt động tốt khi pH = 6,5 – 8,5.

chatluongnuocthai6

Đối với nước thải sinh hoạt, pH thường dao động trong khoảng 6,9 – 7,8. Nước thải của một số ngành công nghiệp có thể có những giá trị pH khác nhau. Ví dụ như nước thải công nghiệp sản xuất bột giấy thường có pH khá cao (10 – 11) trong khi nước thải công nghiệp xi mạ thường có pH khá thấp (2,5 – 3,5), nước thải công nghiệp sơ chế mủ cao su có pH khoảng 4 – 4,5. Để xử lý các loại nước thải này cần thực hiện trung hòa.

Nhu cầu oxy hóa học (COD)

Nhu cầu oxy hóa học (Chemical Oxygen Demand) là lượng oxy cần thiết để oxy hóa toàn bộ các chất hữu cơ có trong nước thải, kể cả không bị phân hủy sinh học và được xác định bằng phương pháp bicromat trong môi trường axit sunfuric có thêm chất xúc tác – sunfat bạc. Đơn vị đo của COD là mgO2/L hay đơn giản là mg/L.

chatluongnuocthai7

Nhu cầu oxy sinh hóa (BOD)

chatluongnuocthai8

Nhu cầu oxy sinh hóa (Biological Oxygen Demand) là một trong những thông số cơ bản đặc trưng cho mức độ ô nhiễm nước thải bởi các chất hữu cơ có thể bị oxy hóa sinh hóa (các chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học). BOD được xác định bằng lượng oxy cần thiết để oxy hóa các chất hữu cơ dạng hòa tan, dạng keo và một phần dạng lơ lửng với sự tham gia của các vi sinh vật trong điều kiện hiếu khí, được tính bằng mgO2/L hay đơn giản là mg/L.

Đối với nước thải sinh hoạt, thông thường BOD = 68% COD, còn đối với nước thải công nghiệp thì quan hệ giữa BOD và COD rất khác nhau, tùy theo từng ngành công nghiệp cụ thể.

Nito

Nito có trong nước thải ở dạng các liên kết hữu cơ và vô cơ. Trong nước thải sinh hoạt, phần lớn các liên kết hữu cơ là các chất có nguồn gốc protit, thực phẩm dư thừa. Còn nito trong các liên kết vô cơ gồm các dạng khử NH4+, NH3 và dạng oxy hóa: NO2 và NO3. Tuy nhiên, trong nước thải chưa xử lý về nguyên tắc thường không có NO2 và NO3.

chatluongnuocthai9

Chất hoạt động bề mặt

Chất hoạt động bề mặt là những chất hữu cơ gồm hai phần: kỵ nước và ưa nước, tạo nên sự hòa tan của các chất có trong dầu và trong nước. Nguồn tạo ra các chất hoạt động bề mặt là việc sử dụng các chất tẩy rửa trong sinh hoạt và trong công nghiệp.

chatluongnuocthai10

Sự có mặt của các chất hoạt động bề mặt trong nước thải có ảnh hưởng đến tất cả các giai đoạn xử lý. Các chất này làm cản trở quá trình lắng của các hạt lơ lửng, tạo nên hiện tượng sủi bọt trong các công trình xử lý, kìm hãm các quá trình xử lý sinh học.

Oxy hòa tan

Oxy hòa tan (DO) là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong quá trình xử lý sinh học hiếu khí. Lượng oxy hòa tan trong nước thải ban đầu dẫn vào trạm xử lý thường bằng không hoặc rất nhỏ. Trong khi đó, trong các công trình xử lý sinh học hiếu khí thì lượng oxy hòa tan cần thiết không nhỏ hơn 2 mg/l.

chatluongnuocthai11

Trong nước thải sau xử lý, lượng oxy hòa tan không được nhỏ 4 mg/L đối với nguồn nước dùng để cấp nước (loại A) và không nhỏ hơn 6 mg/L đối với nguồn nước dùng để nuôi cá

Kim loại nặng và các chất độc hại

Kim loại nặng trong nước thải có ảnh hưởng đáng kể đến các quá trình xử lý, nhất là xử lý sinh học. Các kim loại nặng độc hại gồm: niken, đồng, chì, coban, crom, thủy ngân, cadimi. Ngoài ra, có một số nguyên tố độc hại khác không phải kim loại nặng như: xianua, stibi,…Kim loại nặng thường có trong nước thải cuả một số ngành công nghiệp hóa chất, xi mạ, dệt nhuộm và một số ngành công nghiệp khác. Trong nước thải chúng thường tồn tại dưới dạng cation và trong các liên kết với các chất hữu cơ và vô cơ.

chatluongnuocthai12

Các chỉ tiêu vi sinh:

Trong nước thải phát sinh từ bệnh viện, nước thải chăn nuôi, nước thải sinh hoạt,…thì lượng vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, lây lan qua đường tiêu hóa.

E-coli là loại vi khuẩn phổ biến trong các loại nước thải. Nó có thể tồn tại trong cả môi trường và điều kiện khắc nghiệt nhất, vì vậy E-coli được chọn làm một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng nước thải

chatluongnuocthai13

⇒Trên đây, là các thông số cơ bản để đánh giá chất lượng nước thải. Tùy vào mỗi loại nước thải sinh hoạt, mỗi loại ngành công nghiệp có một đặc tính riêng (sản xuất bột ngọt, sản xuất bia, mía đường, chế biến thủy sản, ngành da giày,…), mà có những quy định tiêu chuẩn rõ ràng và nghiêm ngặt để đánh giá chất lượng khác nhau.

Công ty Tin Cậy chuyên cung cấp và phân phối các loại thiết bị đo, máy móc, vật tư,… dùng để phân tích, đo đạc các chỉ tiêu trong nước, kim loại nặng,…Với xuất xứ nguồn gốc từ các hãng có tiếng hàng đầu Thế giới như Hanna, Hach, Horiba, Milwaukee, WTW, ThermoScientific,… 

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ TIN CẬY

Địa chỉ: Số 4, Đường số 3, Khu Dân Cư Vạn Phúc, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức,Tp.HCM

Điện thoại: (028) 2253 3535

Mobile:  0903 908 671 – 0903 095 978

Email:tincay@tincay.com; thamnguyen@tincay.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo