Bông Sầu Riêng Tháo Khớp Rụng Hàng Loạt

Vụ sầu riêng năm 2023-2024 khởi đầu bằng những bất lợi từ thời tiết mưa nhiều, tiết bông yếu khiến quá trình tạo mầm bông phải diễn ra nhiều lần, gây tốn kém chi phí và trễ cơi lá dìu đọt. Đến khi mắt cua đã sáng và bắt đầu ra bông thì những khó khăn lại nối tiếp nhau, như vườn sầu riêng của anh Kha với 150 cây sầu riêng Ri 6 làm trái năm thứ 2 đang gặp tình trạng bông sầu riêng rụng hàng loạt do mưa lớn liên tiếp.

Mưa lớn gây rụng bông sầu riêng hàng loạt
Mưa lớn gây rụng bông sầu riêng hàng loạt

Hiện trạng vườn

Thời gian từ đầu tháng 11 Âm lịch (ÂL) cho đến đầu tháng 12 ÂL năm 2023 sầu riêng ở hầu hết các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và một số ít huyện ở Lâm Đồng đã bắt đầu sáng mắt cua và hình thành bông sau nhiều lần phun tạo mầm và chờ đợi cây ra mắt cua. Tình hình chung dẫn đến cây ra chậm mắt cua là do thời tiết mưa nhiều, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến sinh lý cây sầu riêng.

Trở lại vườn anh Kha tại Cần Thơ, sau 3 lần phun tạo mầm bằng 10-50-10 + sản phẩm thay thế Paclobutrazol + MKP và 1 lần dùng KNO3 phá miên trạng thì cây vẫn chưa sáng mắt cua thế là anh “vuốt nhẹ” 1 cử Paclo tại các vị trí tập trung đậu trái, sau 10-14 ngày các mắt cua mới sáng rõ và bông đã phát triển đồng loạt.

Thời tiết lúc này bước vào cuối mùa mưa trời nắng ráo thích hợp cho bông sầu riêng phát triển, những tưởng thời tiết lý tưởng cho quá trình nuôi bông, thế nhưng chỉ vui mừng được 10 ngày thì những trận mưa như trút nước đã xảy đến, chỉ sau 1 đêm các bông bắt đầu tháo khớp, héo bông rụng đầy gốc.

Số lượng bông sầu riêng trên cây không rụng
Số lượng bông sầu riêng trên cây không rụng
Lượng bông còn lại trên cành thưa thớt sau khi rụng
Lượng bông còn lại trên cành thưa thớt sau khi rụng

Nguyên nhân

Khi thời tiết nắng nóng liên tục, xen lẫn một vài trận mưa trái mùa hoặc do sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao và đột ngột sẽ dẫn đến rụng bông, trái non hàng loạt.

Nguyên nhân làm cho bông sầu riêng rụng hàng loạt được cho là sốc nước, đây là tình trạng rất dễ gặp phải khi gặp lượng nước cao ở giai đoạn bông bắt đầu phát triển, kể cả không gặp mưa thì khi tưới lượng nước cao đột ngột bông vẫn tháo khớp như thường.

Có một sai sót mà anh Kha mắc phải đó là không chủ động phun Canxi, Bo giai đoạn sớm ở lần cung cấp dinh dưỡng đầu tiên sau xiết nước, theo kế hoạch của anh thì 2 lần đầu anh dùng sản phẩm kéo mắt cua nhanh phát triển khi mắt cua đã sáng rõ, sau 7 ngày thì dùng đạm cá và humic liều 2,5 lít + 0,5kg humic + 250 lít nước, tưới mỗi gốc 20 lít để nuôi bông và kích nhanh cơi đọt, khi bông được 20-25 ngày mới bổ sung Canxi, Bo.

Khi dùng các sản phẩm kéo mắt cua thì thành tế bào phát triển nhanh, mỏng khi gặp mưa dễ tháo khớp vì thiếu đi sự dẻo dai và cứng cắp từ Canxi và Bo.

Giải pháp

Dinh dưỡng: Để hạn chế tình trạng rụng bông sầu riêng cần chủ động phun Canxi, Bo giai đoạn mắt cua được khoảng 2-3cm, lúc này Canxi và Bo được phun qua lá, lập lại sau 7 ngày. Có thể nói Canxi và Bo phun ở giai đoạn này còn khá sớm cho sự phát triển của bông sầu riêng, tuy nhiên khi bổ sung sớm sẽ giúp cuống bông được chắc khỏe, hạn chế rụng bông khi gặp mưa trái mùa, gây sốc nước mạnh như vườn anh Kha.

Khi bông được 20 ngày có thể phun Canxi, Bo trực tiếp lên bông giúp nhanh hấp thu, bắt đầu từ thời điểm này cây cần Canxi và Bo cho sự phát triển và nảy mầm của hạt phấn. Sự nảy mầm của hạt phấn đòi hỏi Canxi ở nồng độ 50-90ppm và Bo ở nồng độ 30-60ppm, khi cung cấp đủ các vi lượng này sẽ giúp bông chắc khỏe, tăng tỷ lệ đậu trái và đều hộc.

Nước tưới: Giai đoạn trước và sau xổ nhụy cây chỉ cần đủ ẩm (tương đương 1/3 lượng nước tưới thông thường) nhằm giữ ẩm cho bộ rễ và hạn chế sốc đột ngột do mưa. Vì vậy nên tưới nhấp nước để cây quen từ từ. Duy trì thời gian tưới 10 – 15 phút, sau đó tăng dần, không nên tưới 30 – 60 phút liên tục ở lần tưới đầu tiên.

Dọn sạch bề mặt đất quanh gốc thông thoáng hạn chế phát sinh bệnh
Dọn sạch bề mặt đất quanh gốc thông thoáng hạn chế phát sinh bệnh

Sốc nước cũng làm cho tỷ lệ bông bị giảm, tăng tỷ lệ các bông có lá

Sốc nước làm giảm tỷ lệ phân hóa mầm bông
Sốc nước làm giảm tỷ lệ phân hóa mầm bông

Phòng trừ sâu bệnh: Chủ động phòng ngừa sâu ăn bông, rệp sáp, thán thư và một số nấm bệnh khác bằng các hoạt chất như: Abamectin, Emamectin benzoate, Matrine, Mancozeb, Hexaconazole, Phosphonate,… để phun phòng bệnh thán thư và một số loại nấm bệnh khác trước khi nhú mắt cua đến khi đậu trái. Định kỳ 7 – 10 ngày/lần.

Vừa rồi là phần chia sẻ về sầu riêng tại vườn anh Kha và một số lưu ý khi nuôi bông. Tôi hy vọng bài viết có thể cung cấp được cho quý bà con các thông tin thực tế và kịp thời từ nhà vườn trong giai đoạn này, hành trình làm sầu riêng đang tiếp diễn, những diễn biến tiếp theo tại vườn anh Kha tôi sẽ tiếp tục cập nhập để bà con cùng nắm rõ. Cảm ơn quý bà con đã theo dõi và hẹn gặp lại quý bà con ở các bài viết sau.

Chúc quý bà con thật nhiều sức khỏe và vụ mùa bội thu!

Tác giả: Thiên Nhiên

Mọi thắc mắc về “Bông sầu riêng tháo khớp rụng hàng loạt”, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ TIN CẬY

Địa chỉ: Số 4, Đường số 3, KDC Vạn Phúc, P Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 2253 3535 – 0902 885 547 – 0902 882 249 – 0932 063 123 – 0902 882 247 – 0909 307 123

Email: kinhdoanh@tincay.com; tincaygroup@gmail.com, tincay@tincay.com

Website: tincay.com | thuysantincay.com | nongnhan.com

Youtube: Cty Tin Cậy | Nông Nhàn | Thuỷ Sản Tin Cậy

Facebook: Công Ty Tin Cậy  | Thủy Sản Tin Cậy | Thông tin nông nghiệp & chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo