5 Loại Hoá Chất Dùng Để Diệt Ký Sinh Trùng Trong Ao Nuôi Thuỷ Sản

Trong video “Cuộc Trò Chuyện Với Chú Năm Về Nuôi Cá Tai Tượng” mà Tin Cậy đã phát hành trên kênh youtube Thủy Sản Tin Cậy có đoạn Chú Năm có những chia sẻ cũng vui vui mà cũng ngậm ngùi về tình trạng nước ao của các hồ nuôi cá ngày nay nói chung.

Tại sao ngày xưa nuôi cá dễ như thế, chỉ cần thả cá xuống, cho ăn rau rồi đủ ngày đủ tháng là kéo lên bán thôi. Nhưng ngày nay vụ nào cũng tổn thất gần 40%, dịch bệnh triền miên, cá chết không rõ nguyên nhân, không còn “muốn giàu nuôi cá” nữa.

5 Loại hoá chất dùng để diệt ký sinh trung trong ao nuôi thuỷ sản
5 Loại hoá chất dùng để diệt ký sinh trung trong ao nuôi thuỷ sản

Chung quy lại cũng là do nguồn nước đầu vào bị ô nhiễm nặng nề, nuôi không nổi. Tầm 10 năm về trước, nguồn nước sông kế bên nhà rất sạch, cá bống, tôm càng, cua biển rất nhiều. Ngày nay thì nước được nhuộm đủ thứ màu sắc do nhà máy nhuộm xả ra, rồi thì cá tôm không thấy đâu mà chỉ còn toàn là hộp xốp, túi nilon.

Chính vì nguồn nước như thế nên ký sinh trùng càng phát triển mạnh và phát tán nhanh. Nuôi tôm cá trong nguồn nước bị nhiễm ký sinh trùng thì tôm dễ bị nhiễm khuẩn đường ruột dẫn đến phân trắng, còn cá thì dễ bị xuất huyết nội tạng. Cho nên bà con cần có 1 ao lắng để xử lý nước cho sạch trước khi cấp vào ao.

Tin Cậy nghĩ rằng tốt hơn là bà con chịu đầu tư chi phí ban đầu 1 chút như làm ao lắng, trồng cây thủy sinh để lọc nước, vét bùn đáy, rải vôi, khử phèn, diệt ký sinh trùng, diệt tảo,… trước khi bắt đầu thả tôm cá thì chi phí phải xử lý khi có sự cố xảy ra sẽ nhẹ hơn rất nhiều.

Vậy những loại hóa chất nào thường được sử dụng để diệt ký sinh trùng? Mời bà con cùng theo dõi những thông tin khoa học sau.

1. Dùng thuốc Praziquantel

Praziquantel có những đặc điểm sau:

  • Praziquantel là thuốc trị ký sinh trùng tổng hợp, có dạng tinh thể không màu, không mùi, tan trong các dung môi hữu cơ và khó tan trong nước.
  • Praziquantel có hoạt phổ kháng ký sinh trùng rộng, đặc biệt là các loại sán lá mang, sán lá gan và sán dây.
  • Praziquantel được hấp thu hoàn toàn và nhanh chóng vào máu từ đường tiêu hóa. Sau đó thuốc được phân bố đến khắp các cơ quan (cơ, não, khoang bụng, gan, ruột, túi mật…) nên có khả năng diệt cả ấu trùng và sán trưởng thành ký sinh trên nhiều cơ quan vật chủ.
  • Thuốc phát huy tác dụng ngay sau 4 giờ kể từ khi được đưa vào cơ thể vật chủ.

Cơ chế diệt ký sinh trùng của thuốc Praziquantel: Thuốc được sán hấp thu nhanh, tăng tính thẩm thấu của màng tế bào, dẫn tới mất calci nội bào, gây co cứng và liệt hệ cơ của sán nhanh chóng. Đồng thời da của sán trưởng thành xuất hiện các mụn nước rồi sau đó bị vỡ ra và phân hủy làm sán bị tiêu diệt.

5 Loại hoá chất dùng để diệt ký sinh trung trong ao nuôi thuỷ sản
5 Loại hoá chất dùng để diệt ký sinh trung trong ao nuôi thuỷ sản

Liều lượng sử dụng:

  • Phòng bệnh:Trộn 1-1,5 kg/ 200 kg thức ăn hoặc 1-1,5 kg/ 5 tấn cá, cho ăn liên tục 3 ngày, mỗi 2-3 tuần cho ăn 1 đợt.
  • Trị bệnh:Trộn 1,5 kg/ 200 kg thức ăn hoặc 1,5 kg/ 5 tấn cá, cho ăn liên tục 3-5 ngày.

2. Dùng hóa chất CuSO4

CuSO4 (Đồng sulphat) có những đặc điểm sau:

  • CuSO4 là hợp chất muối màu xanh lam, dạng tinh thể to hoặc dạng bột, dễ tan trong nước tạo ra dung dịch axit yếu. Hoặc nhà sản xuất có làm luôn dạng dung dịch pha sẵn.
  • CuSO4 có khả năng tiêu diệt các sinh vật gây bệnh tương đối mạnh nhưng nước có nhiều mùn bã hữu cơ, độ pH cao, môi trường nước cứng đặc biệt môi trường nước lợ, nước mặn,… thì độc lực của CuSO4 giảm.
  • Các bệnh ký sinh trùng đơn bào như trùng bánh xe, trùng loa kè, trùng miệng lệch,…hay các bệnh các bệnh trắng mang, đỏ mang, lở loét, rận cá, bệnh bông gòn, bệnh thối đuôi, thối vây trên cá có thể dùng CuSO4 để trị rất hiệu quả.
  • Ngoài ra, đồng sulphat còn diệt được tảo độc và diệt mầm bệnh, các ký chủ trung gian như ốc và nhuyễn thể khác ở đáy ao. 

Cơ chế diệt ký sinh trùng của hóa chất CuSO4: Ion Cu2+ rất độc đối với tảo, nấm mốc, bào tử, ký sinh trùng và virus. Cu2+ làm biến tính protein, phá vỡ cấu trúc tế bào của tảo, ký sinh trùng, rút nước ra khỏi các vi khuẩn có hại và làm chết chúng.

5 Loại hoá chất dùng để diệt ký sinh trung trong ao nuôi thuỷ sản
5 Loại hoá chất dùng để diệt ký sinh trung trong ao nuôi thuỷ sản

Liều lượng sử dụng:

  • Đối với dạng tinh thể hoặc dạng bột:
    • Cho cá: Chỉ cần lấy CuSO4 khoảng 0,3g/m3 nước, treo ở đầu bè, mỗi ngày một lần và dùng liên tục trong 3 ngày.
    • Cho tôm: Lấy 1g/1m3 nước, hòa tan với nước rồi tạt khắp mặt ao, mỗi ngày một lần và dùng liên tục trong 2-3 ngày để diệt hết các loại nấm, rong rêu, ký sinh trùng có trong ao.
  • Đối với dạng dung dịch 5%:
    • Định kỳ sát trùng nguồn nước 2 tuần 1 lần, đặc biệt là vào mùa mưa: 1 lit/1.00m3 nước.
    • Tiêu diệt các loại ký sinh trùng ở mang và trên da, trong 2 tuần, mỗi tuần xử lý 1 lần: 2 – 2.5 lit/1.000m3.

3. Dùng hóa chất BKC

BKC (Alkyl Dimethyl Benzyl Ammonium Chloride) có những đặc điểm sau:

  • BKC dạng bột có màu trắng hoặc vàng. Dạng dung dịch thì hơi sệt, có từ không màu đến màu vàng tùy vào sự tinh khiết.
  • pH, nhiệt độ môi trường cao và thời gian tiếp xúc lâu thì hoạt độ của BKC càng mạnh. Tuy nhiên ao có độ cứng và độ đục cao sẽ làm giảm tác dụng của BKC.
  • BKC rất độc đối với vi khuẩn (Edwardsiella, Vibrio, Staphylococcus, và Aeromonas), virút, nấm, protozoa và một số ngoại ký sinh trùng gây đen mang, vàng mang, đóng rong, cháy đuôi, hoại tử, phát sáng, hiệu quả nhanh hơn Formaldehide.
  • BKC giúp khử mùi hôi, cải thiện chất lượng nước và kích thích tôm lột xác khi sử dụng ở liều thấp.
  • Ngoài ra BKC có tác dụng cắt tảo trong ao, ổn định độ trong, giảm hiện tượng thiếu oxy trong ao nuôi vào buổi sáng sớm.

Cơ chế diệt ký sinh trùng của hóa chất BKC: Nhóm lipophilic alkyl của BKC sẽ xâm nhập vào màng tế bào của ký sinh trùng, ngăn chặn hoạt tính của một số loại enzyme, làm suy yếu và phá hủy màng tế bào, dẫn đến ký sinh trùng bị tiêu diệt.

5 Loại hoá chất dùng để diệt ký sinh trung trong ao nuôi thuỷ sản
5 Loại hoá chất dùng để diệt ký sinh trung trong ao nuôi thuỷ sản

Liều lượng sử dụng:

  • Đối với dạng bột:
    • Phòng bệnh: 1kg /2.000 – 3.000m3 nước, định kỳ 7 ngày 1 lần.
    • Xử lý khi tôm cá bệnh: 1kg /1.500 – 2.000 m3 nước.
    • Giảm tảo: 1kg /2.000 m3 nước.
  • Đối với dạng dung dịch 80%:
    • Sát trùng nguồn nước trong ao chứa hoặc ao nuôi trước khi thả tôm giống 5 ngày: 1 lit/ 1.500m3 nước ao.
    • Xử lý nước ao trong quá trình nuôi hoặc khi tôm mắc bệnh: 1 lit/ 2.000m3 nước ao.
    • Xử lý tảo, khi mật độ tảo quá dày: 1 lit/ 3.000m3 nước ao, 3 ngày xử lý 1 lần cho đến khi đạt độ trong tiêu chuẩn.

4. Dùng hóa chất Novadine

Novadine (Povidone Iodine) có những đặc điểm sau:

  • Novadine là dung dịch Povidone Iodine 10%, có tính ôxy hóa mạnh, có thể diệt được virus, vi khuẩn (Aeromonas, Pseudomonas, Vibrio, Flexibacter), nấm, ký sinh trùng dù trong nước có hàm lượng chất hữu cơ cao.
  • Khả năng khử khuẩn của iodine trong Povidone Iodine mạnh hơn nhưng an toàn, ít gây kích ứng da hơn so với các dạng Iodine khác. Iod tự do sẽ được giải phóng từ từ vào môi trường nước xung quanh, kéo dài tác dụng sát khuẩn, diệt khuẩn, nấm, động vật đơn bào, kén và bào tử…
  • Dùng Novadine tạt trực tiếp xuống ao vì nó không có hại cho mô tế bào của tôm, cá và trứng của chúng khi dùng ở nồng độ thích hợp.
  • Không làm ô nhiễm môi trường đáy ao do tạo thành các hợp chất tích tụ dưới bùn đáy.
  • Novadinesẽ mất tác dụng rất nhanh khi ở nhiệt độ cao, do đó chỉ nên sử dụng vào lúc trời mát, tốt nhất là vào xế chiều.
  • Không dùng chung với các loại hóa chất khác, các sản phẩm có tính kiềm.

Cơ chế diệt ký sinh trùng của hóa chất Novadine: Iod sau khi giải phóng khỏi phức hợp Povidone Iodine sẽ phản ứng với nhóm thiol (-SH) hoặc nhóm hydroxyl (-OH) của các acid amin trong enzym và protein của ký sinh trùng. Phản ứng oxy hóa làm bất hoạt và tiêu diệt các enzym và protein, từ đó giết chết ký sinh trùng.

5 Loại hoá chất dùng để diệt ký sinh trung trong ao nuôi thuỷ sản
5 Loại hoá chất dùng để diệt ký sinh trung trong ao nuôi thuỷ sản

Liều lượng sử dụng:

  • Sát trùng bể, dụng cụ và bể ương nuôi tôm, cá: Pha 5ml Novadine với 1 lit nước sạch rồi phun xịt ướt bề mặt bể hoặc ngâm trong 6-8 giờ, sau đó rửa thật sạch bằng nước thường, phơi khô.
  • Sát trùng định kỳ nguồn nước nuôi: 1 lit /2.000 – 2.500m3 nước ao. Định kỳ 10 ngày/lần. Hòa với nước sạch, tạt đều khắp ao.
  • Sát trùng khi tôm, cá mắc bệnh: 1 lit /1.500 – 2.000m3. Hòa với nước sạch, tạt đều khắp ao.

5. Dùng hóa chất Chlorine

Chlorine có những đặc điểm sau:

  • Chlorine có tác dụng oxy hóa và sát khuẩn rất mạnh, có thể diệt đến 99% vi khuẩn có trong nước.
  • Chlorinebán trên thị trường có dạng hạt và dạng viên màu trắng, dễ tan trong nước, khi tan giải phóng khí Clo làm nước có mùi hắc đặc trưng.
  • Trong nuôi trồng thủy sản, Chlorine được sử dụng phổ biến ở dạng Ca(OCl)2hơn so với NaOCl. Bởi lẽ, khi hòa tan vào môi trường nước, Ca(OCl)2 sẽ tạo ra hai phân tử HOCl và phân ly thành 2 ion OCl. Lúc này, HOCL và ion OCl sẽ tác động trực tiếp lên màng tế bào của vi khuẩn.
  • HOCl độc đối với sinh vật gấp một trăm lần so với OCl. Khi pH thấp, HOCl chiếm ưu thế, ngược lại khi pH cao OClchiếm ưu thế. Vì thế, trong môi trường có pH thấp Chlorine có hiệu quả cao hơn môi trường có pH cao. Do đó không nên bón vôi trước khi sử dụng Chlorine.
  • Chỉ nên sử dụng Chlorine để xử lý nguồn nước cấp trong ao lắng hoặc vào đầu vụ nuôi. Không được sử dụng trong thời gian giữa và cuối vụ.
  • Không dùng Chlorine dưới ánh nắng vì sẽ làm mất công dụng của sản phẩm.

Cơ chế diệt ký sinh trùng của hóa chất Chlorine: Như đã đề cập ở trên, sở dĩ HOCl độc gấp một trăm lần so với OCl là do HOCl có thể thấm vào tế bào của ký sinh trùng còn OCl–  thì không có khả năng đó. Khi thấm vào tế bào, đầu tiên HOCl sẽ gây tổn thương cho vách và màng tế bào của vi sinh vật.

Sau đó nó sẽ phá hủy các enzyme bên trong ty thể, mà ty thể là cơ quan sản sinh năng lượng giúp duy trì sự sống cho sinh vật. Và cuối cùng, nó phá hủy AND – vật chất di truyền của sinh vật, dẫn dến ký sinh trùng bị tiêu diệt toàn bộ không để lại vết tích gì.

5 Loại hoá chất dùng để diệt ký sinh trung trong ao nuôi thuỷ sản
5 Loại hoá chất dùng để diệt ký sinh trung trong ao nuôi thuỷ sản

Liều lượng sử dụng:

  • Khử trùng thiết bị, bể và dụng cụ: 100 – 200 kg /1.000 m3 nước (100 – 200ppm) trong (30 phút)
  • Khử trùng đáy ao khi tôm của vụ trước bị dịch bệnh: 50 – 100 kg /1.000 m3 nước (50 – 100ppm).
  • Khử trùng nước ao chưa có tôm: 25 – 35 kg /1.000 m3 (25 – 35ppm).

Khi bị ký sinh trùng, mặc dù tôm cá không bị chết trong thời gian ngắn nhưng sẽ chết lai rai suốt vụ, chậm lớn, bỏ ăn, tạo điều kiện cho các tác nhân cơ hội gây bệnh. Do đó bà con cần xử lý nước kỹ càng ngay từ đầu vụ, cũng như diệt ký sinh trùng định kỳ trong suốt vụ nuôi.

Tham khảo các Chế phẩm sinh học hỗ trợ trong nuôi thủy sản

Bài viết trên Tin Cậy đã trình bày đặc điểm, cơ chế diệt ký sinh trùng cũng như liều lượng sử dụng của 5 loại thuốc thường dùng, rất an toàn cho tôm cá. Đầu vụ thì được sử dụng Chlorine cũng như BKC, Novadine, CuSO4 để diệt khuẩn, xử lý tảo.

Tuy nhiên, trong suốt vụ nuôi thì bà con chỉ được dùng BKC, Novadine, CuSO4 thôi nhé. Praziquantel trộn vào thức ăn suốt thời gian nuôi để ngừa ký sinh trùng trong nội tạng cá. Bà con tham khảo, lựa chọn loại nào phù hợp nhất cho từng giai đoạn xử lý cho ao của mình nhé.

Tin Cậy kính chúc quý bà con có những vụ nuôi thành công!

Tác giả: Trinh Nguyễn

Mọi thắc mắc về “5 Loại hoá chất dùng để diệt ký sinh trùng trong ao nuôi thuỷ sản”, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ TIN CẬY

Địa chỉ: Số 4, Đường số 3, KDC Vạn Phúc, P Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 2253 3535 – 0902 650 369 – 0902 885 547 – 0902 671 281 – 0903 908 671

Email: kinhdoanh@tincay.com; tincaygroup@gmail.com, tincay@tincay.com

Website: tincay.com | thuysantincay.com | nongnhan.com

Youtube: Cty Tin Cậy | Nông Nhàn | Thuỷ Sản Tin Cậy

Facebook: Tin Cậy Group | Thủy Sản Tin Cậy | Thông tin nông nghiệp & chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo