Nhện Đỏ Nỗi Lo Triền Miên

Trong canh tác nông nghiệp có rất nhiều loại sâu hại mà bà con đau đầu trong việc phòng trừ do đặc tính sinh sống gây khó khăn trong việc phun xịt, bắt giết hay chuyển đổi cơ cấu. Bọ trĩ luôn đứng đầu trong danh sách này và bà con quá quen với nó, một chủng loại tiếp đến mà hầu như mùa vụ nào cũng ghé thăm là nhện đỏ “Tetranychus sp.”.

Nhện đỏ gây hại từ cây rau, cây hoa, cây cảnh đến các loại cây ăn quả, cây công nghiệp và cả cây lâm nghiệp, với diện gây hại rộng và mạnh như vậy nhện đỏ luôn gây khó khăn cho các vụ mùa của bà con. Tin Cậy xin được chia sẻ thông tin về con Nhện đỏ “Tetranychus sp.” đến Quý bà con.

1. Nhện đỏ (Tetranychus sp.)

Đặc tính sinh học nhện đỏ

Đây là loài nhện đa thực có thể gặp trên nhiều loại cây trồng khác nhau. Nhện đỏ phát triển khác nhau giữa các loài nhưng vòng đời đặc trưng như sau. Trứng được đẻ dính vào sợi tơ mạng nhện và nở ra sau khoảng 3 ngày. Vòng đời là kết hợp của trứng, sâu non và 2 giai đoạn ấu trùng (protonymph và deutonymph) và trưởng thành.

Thời gian từ trứng đến trưởng thành thay đổi phụ thuộc lớn vào nhiệt độ. Trong điều kiện phòng thí nghiệm (t=25-28 oC, 70% RH): trứng 3-4 ngày, sâu non 2-5 ngày, tiền ấu trùng 1-2 ngày và ấu trùng 1-3 ngày. Thời gian từ trứng- trưởng thành từ 7-14 ngày và thời gan sống của trưởng thành kéo dài đến 22 ngày. Có nhiều thế hệ trùng lặp trong năm.

Vòng đời của nhện đỏ
Vòng đời của nhện đỏ

Phương thức gây hại

Nhện đỏ có miệng chích hút như mũi kim. Nhện đỏ đâm miệng vào thân cây, đầu tiên ở mặt dưới lá. Hầu hết các loài nhện đều tạo màng tơ trên cây ký chủ. Nhện ăn làm cho lá chuyển màu vàng xám. Các đốm hoại tử xuất hiện khi lá bị nặng.

Khi nhện đỏ dời lớp sáp, lớp mô thịt lá xẹp xuống và tạo thành các đốm màu nơi nó chích hút. Có khoảng 18-20 tế bào bị hủy/phút. Quá trình chích hút tạo thành các vết chấm trắng và về sau lá trở nên vàng xám hay màu đồng. Sự rụng lá hoàn toàn có thể xảy ra nếu nhện đỏ không được phòng trừ.

Nếu quan sát thật kỹ có thể nhận biết nhện đỏ bằng mắt thường
Nếu quan sát thật kỹ có thể nhận biết nhện đỏ bằng mắt thường

Khi quần thể tăng trưởng, nhện đỏ phân bố khắp bề mặt lá, bao gồm cả mặt trên lá và những đốm vàng bao trùm cả lá làm chuyển sang màu đỏ hay rỉ sắt. Khi bị nặng, phần lá giữa và dưới có biểu hiện tiến trình rụng lá hướng về ngọn, chồi bị teo tóp lại và cây có thể bị chết.

Vết cắn hút của nhện đỏ
Vết cắn hút của nhện đỏ

2.Biện pháp phòng trị nhện đỏ

Biện pháp canh tác, kỹ thuật:

  • Không nên trồng mật độ quá cao làm cho vườn bị um tùm, rậm rập, không thông thoáng, tán bị che phủ nhiều.
  • Không nên trồng quá sát nhau để luôn tạo độ thông thoáng cho vườn. Thường xuyên kiểm tra bộ lá cây (nhất là những lá từ giai đoạn bánh tẻ trở đi) để phát hiện sớm và có biện pháp diệt trừ nhện kịp thời. Do cơ thể của nhện rất nhỏ vì thế để phát hiện nhện cần phải dùng kính lúp kiểm tra hoặc ngắt những lá nghi ngờ có nhện đặt vào giữa hai tờ giấy trắng rồi lấy tay vuốt nhẹ phía ngoài tờ giấy; nếu thấy trên mặt giấy có những chấm nhỏ màu vàng xanh, hồng hay đỏ thì lá đó đang có nhện gây hại, những chấm này càng nhiều thì chứng tỏ mật độ của nhện càng cao.
  • Bón phân dứt điểm thành từng đợt và phải bón cân đối giữa đạm, lân và kali. Nếu vườn bị nhện gây hại nhiều thì nên tăng cường bón thêm phân lân và kali.
  • Tỉa bỏ những cành, lá không cần thiết bên trong tán cây để tán cây luôn luôn được thông thoáng.
  • Tưới nước giữ ẩm cho cây trong mùa khô.
  • Vệ sinh đồng ruộng, hủy triệt để tàn dư cây trồng
  • Tưới phun với áp lực mạnh khi mật độ nhện cao.
Nhện đỏ làm giảm đi rõ rệt hiệu quả quang hợp của lá do mất đi lớp biểu bì mang diệp lục
Nhện đỏ làm giảm đi rõ rệt hiệu quả quang hợp của lá do mất đi lớp biểu bì mang diệp lục

Biện pháp sinh học, tự nhiên:

Thiên địch có vai trò rất quan trọng trong việc hạn chế mật số nhện đỏ như:

  • Nhện đỏ Galandromus (Metaseiulus) occidentalis, loài này có cùng kích thước với nhện gây hại nhưng thiếu các chấm và có màu vàng nhạt đến màu đỏ nâu, khả năng diệt nhện của loài này không cao lắm.
  • Bù lạch 6 chấm Scolothrips sexmaculatus có 3 chấm màu sậm trên mỗi cánh trước, bù lạch bông Frankliniella occidentalis có màu từ vàng chanh sáng đến nâu sậm.
  • Bọ rùa Stethorus sp.
  • Bọ xít nhỏ Orius tristicolor và Chysoperla carnea cũng là thiên địch của nhện đỏ.
  • Bọ trĩ ăn thịt

Các loài thiên địch này thường khống chế nhện đỏ dưới ngưỡng gây hại nên không cần sử dụng thuốc hóa học để trừ nhện đỏ.

Chú ý việc dùng thuốc hóa học nhiều dễ gây bộc phát nhện đỏ, do tiêu diệt thiên địch của nhện đỏ và nhện đỏ có khả năng quen và kháng thuốc cao.

Biện pháp hóa học:

Nhện đỏ rất khó trị vì rất nhỏ và thường sống ở gần gân lá, nơi thuốc trừ sâu rất khó tiếp xúc. Hơn nữa, nhện tạo lập quần thể rất nhanh nên mật số tăng nhanh và nhiều. Có thể sử dụng các loại thuốc trừ nhện nhưng phải để ý đến quần thể thiên địch.

  • Phun các thuốc có hỗn hợp hoạt chất (Chlorantraniliprole + Abamectin),…

Nếu vườn thường bị nhện gây hại nặng thì cứ mỗi đợt cây ra đọt, lá non nên phun xịt 3 lần thuốc trừ nhện: lần 1 khi cây vừa nhú đọt non, lần 2 khi đọt non ra rộ và lần 3 khi lá non bước sang giai đoạn bánh tẻ.

Kinh nghiệm được chia sẻ:

Anh Mạnh kỹ thuật vùng trồng cam Cao Phong chia sẻ cách trị nhện đỏ trên cây có múi:

  • Trời nắng hanh khô thì nhện sẽ phát triển nhiều.
  • Dùng thuốc trừ muỗi. Dùng thuốc trừ sâu. Dùng dầu ăn với nước rửa bát. Dùng nấm xanh nấm trắng đều trị được.
  • Chú ý phun áp lực mạnh là được.
  • Để chắc chắn hiệu quả trừ nhện thì nên phun lại cách lần 1 sau 5 ngày.

Dầu ăn với nước rửa chén: 1 lít dầu ăn + 1 lít nước rửa chén cho 1000 lít nước khuấy mạnh cho lên bọt thật nhiều. Phun xong 4 ngày sau phun phân bón lá trung vi lượng để cho cây không bị mất cân bằng dinh dưỡng.

Canh tác bền vững cũng là hướng đi giảm sự gây hại từ sâu bệnh kháng thuốc
Canh tác bền vững cũng là hướng đi giảm sự gây hại từ sâu bệnh kháng thuốc

Trên đây là những chia sẻ của Tin Cậy về các đặc điểm của con nhện đỏ cũng như cách phòng trừ hiệu quả chúng. Chúc Quý bà con có được những vụ mùa như ý! Hẹn bà gặp lại bà con trong những chia sẻ bổ ích tiếp theo!

Tác giả: Minh Cường

Mọi thắc mắc về “Nhện đỏ nỗi lo triền miên”, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ TIN CẬY

Địa chỉ: Số 4, Đường số 3, KDC Vạn Phúc, P Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 2253 3535 – 0902 882 247 – 0902 882 249 – 0358 867 306 – 0909 307 123 – 0903 908 671

Email: kinhdoanh@tincay.com; tincaygroup@gmail.com, tincay@tincay.com

Website: tincay.com | thuysantincay.com | nongnhan.com

Youtube: Cty Tin Cậy | Nông Nhàn | Thuỷ Sản Tin Cậy

Facebook: Tin Cậy Group | Thủy Sản Tin Cậy | Thông tin nông nghiệp & chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo