Công Dụng Của Mật Rỉ Đường Trong Trồng Trọt Và Chăn Nuôi
Mật rỉ đường là chất lỏng có màu đen nâu, dạng đặc sánh, mùi thơm hơi hắc như caramel. Nó là phụ phẩm của ngành công nghiệp sản xuất đường, sau khi cô đặc và kết tinh nước mía (hoặc củ cải đường…) đến lần thứ 3 để chế biến đường thì phần chất lỏng màu đen, sánh đặc còn lại chính là mật rỉ đường. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về công dụng của mật rỉ đường trong trồng trọt và chăn nuôi nhé!
Thành phần cơ bản
- Đường: Fructoza, Sucroza, Glocoza,…
- Chất hữu cơ không đường: Gluxit tinh bột và các hợp chất axit hữu cơ của Nitơ
- Chất khoáng: Ca, Na, Mg, P, K, S, Cu, Zn, Mn, Fe,…
Mật rỉ đường tuy chỉ là phụ phẩm của quá trình sản xuất đường, nhưng nó lại là nguồn nguyên liệu rất tốt cho việc ủ và hoạt hóa vi sinh trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và xử lý chất thải,…
Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay, mật rỉ đường là nguồn carbon rẻ tiền, nhưng rất giàu chất dinh dưỡng, được bà con sử dụng trong rất nhiều việc như: ủ thức ăn cho vật nuôi hoặc ủ phân tưới cây,…Và để hiểu rõ hơn xin mời Quý bà con hãy cùng tìm hiểu với Tin Cậy ngay sau đây:
1. Công dụng của mật rỉ đường trong chăn nuôi:
- Trộn trực tiếp mật rỉ đường với thức ăn công nghiệp, bắp ngô, lúa mì, cám gạo, rơm,…hoặc pha vào nước uống cho gia súc, gia cầm
=> Đây là cách sử dụng mật rỉ đường cho vật nuôi đơn giản nhất. Mật rỉ trộn với các loại cám, thức ăn sẽ làm tăng độ ngọt, chất dinh dưỡng, kích thích vật nuôi ăn ngon miệng và nhiều hơn, giúp bà con giảm bớt chi phí thức ăn. Ngoài ra, mật rỉ cũng có chứa nhiều chất khoáng, nguyên tố đa và vi lượng, thúc đẩy quá trình phát triển cho vật nuôi.Nhưng nếu muốn đạt hiệu quả chăn nuôi tốt hơn bà con nên sử dụng men vi sinh gốc EM1 kết hợp với mật rỉ đường để ủ ra thành men vi sinh vật thứ cấp EM2. Như vậy vừa bổ sung được dinh dưỡng và các vi sinh vật có lợi tốt cho quá trình phát triển và tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi.
- Sử dụng mật rỉ đường để ủ chua các loại nguyên liệu như cây bắp, bã sắn, cỏ xanh…để cho gia súc ăn, dự trữ lâu ngày, phòng trường hợp khi thức ăn quá nhiều gia súc không ăn hết kịp hoặc hạn hán, mưa bão không có cỏ…
Cỏ đã được ủ chua bằng mật rỉ đường (Hình ảnh minh họa)
- Bà con có thể ủ chua cỏ với công thức đơn giản sau đây: 100 kg cỏ (thân cây bắp, lúa mì…) cắt nhỏ + 3kg rỉ mật đường + một ít muối ăn => trộn đều rồi ủ trong bao ni lông nén kín, không để không khí lọt vào. Khoảng 2 đến 3 tuần, cỏ vàng và có mùi chua như mùi dưa muối, là chúng ta có thể cho trâu, bò… ăn được. Ngoài ra cũng còn nhiều công thức khác, chúng ta có thể kết hợp mật rỉ đường với men vi sinh EM1 hoặc cám gạo,….để ủ chua cỏ cho trâu bò ăn.
- Một loại vật nuôi khác tuy mới xuất hiện nhưng cũng đang được rất nhiều bà con quan tâm và đầu tư nuôi, đó chính là ruồi lính đen. Tuy nhiên, thức ăn của ruồi lính đen lại chủ yếu là các loại rau, củ, quả hư hỏng, thức ăn thừa, các loại phế phẩm trong nông nghiệp như: xác đậu nành, cám gạo… trong quá trình cho ấu trùng ruồi ăn sẽ phát sinh ra mùi hôi rất khó chịu và nhiều loại vi khuẩn độc hại…
- Bà con có thể xử lý vấn đề này bằng cách sử dụng mật rỉ đường và men vi sinh EM1 ủ thành men sinh thứ cấp EM2, rồi phun xịt lên thức ăn của ruồi để giảm mùi hôi khó chịu và cung cấp các loại vi vật có ích,…đối với cách nuôi ruồi lính đen khô.
Nuôi ruồi lính đen bằng hỗn hợp vi sinh (Hình ảnh minh họa)
- Còn đối với cách nuôi ruồi lính đen ướt, thì chúng ta có thể xay nhuyễn thức ăn ra và trộn chung với dung dịch EM2 thành hỗn hợp lỏng; rồi cho hỗn hợp lỏng này vào máng nuôi ấu trùng, sao cho ấu trùng ngập trong hỗn hợp, nó sẽ ăn các thức ăn đã được xay nhuyễn trong hỗn hợp và không gây ra mùi hôi. Nếu lâu ngày, hỗn hợp bị khô, bà con có thể châm thêm dung dịch EM2.
2. Công dụng của mật rỉ đường trong trồng trọt:
- Bà con có thể pha loãng mật rỉ đường với nước và tưới vào đất trồng để tăng hoạt tính sinh học, cải tạo và tạo độ xốp cho đất, nhưng cách này sẽ có tác hại nhất định vì ngoài các vi sinh vật có lợi thì mật rỉ đường cũng có thể làm phát sinh các vi sinh vật có hại cho đất và cây trồng, chúng ta nên hạn chế thực hiện theo cách này.
- Cách sử dụng mật rỉ đường hiệu quả nhất là dùng nó để hoạt hóa các loại men vi sinh như: EM1, EM-AG,…và các loại phân hữu cơ vi sinh như EMZ FUSA, BIO SIMO,…
- Ngoài ra, chúng ta còn có thể dùng mật rỉ đường kết hợp với các chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu như: EM1, EM-AG,…để ủ các loại phân hữu cơ từ các nguyên liệu như: phân chuồng, phân cá, phân bánh dầu, đậu tương,…
Mật rỉ đường sẽ là nguồn năng lượng bổ sung cho vi sinh vật trong quá trình nhân lên và phân hủy các chất hữu cơ thành nguồn dinh dưỡng có ít. Bằng cách này, chúng ta có thể đảm bảo được những phân và men vi sinh mình tưới vào đất đều là các vi sinh vật có ích và đồng thời giúp hạn chế hoạt động của các vi sinh vật có hại, giúp cải tạo môi trường đất trồng, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng,…
Men EM2 của Tin Cậy được hoạt hóa bằng mật rỉ đường (Hình ảnh minh họa)
Sử dụng mật rỉ đường và men vi sinh để ủ phân hữu cơ từ cá (Hình ảnh minh họa)
3. Lưu ý khi sử dụng mật rỉ đường:
- Bà con nên đun sôi mật rỉ đường trước khi sử dụng, để tiêu diệt các vi khuẩn có hại trong mật…Trong quá trình đun, cần bù nước vào cho mật, tránh để mật bị cháy khét làm ảnh hưởng đến chất lượng.
- Thời gian sử dụng tốt nhất của mật rỉ đường là: 1 năm. Mật rỉ đường để lâu cũng sẽ bị hư, nhớt và có mùi hôi khó chịu…
- Can để đựng mật rỉ đường thường là can cũ tái sử dụng từ can đựng dầu ăn. Nên đôi khi, bà con sẽ thấy lớp váng dầu mỏng trên mật rỉ. Lớp váng dầu này là bình thường và không ảnh hưởng đến chất lượng của mật rỉ đường.
Như bà con cũng đã thấy, hiện nay mật rỉ đường được sử dụng rất nhiều trong trồng trọt và chăn nuôi nhờ vào thành phần dinh dưỡng cao và có giá thành rẻ. Nó giúp chúng ta, rút ngắn thời gian ủ phân hữu cơ, tạo ra nguồn phân bón sạch và tận dụng được các phế phẩm trong sản xuất, chăn nuôi, tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho bà con.
Qua bài viết trên đây, hy vọng Quý bà con sẽ hiểu rõ hơn về mật rỉ đường và sẽ ứng dụng nó nhiều hơn trong quá trình sản xuất nông nghiệp của mình. Tin Cậy xin chào và hẹn gặp lại bà con trong các chia sẻ về nông nghiệp vào lần sau!
Tác giả: Mỹ Linh
Thông tin chi tiết về mật rỉ đường bà con có thể tham khảo tại đây: → Mật rỉ đường
Video thực tế về sản phẩm mật rỉ đường của Tin Cậy:
Mọi thắc mắc về “Công dụng của mật rỉ đường trong trồng trọt và chăn nuôi”, xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ TIN CẬY
Địa chỉ: Số 4, Đường số 3, Khu Dân Cư Vạn Phúc, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, Tp.HCM
Điện thoại: (028) 2253 3535 – 0902 882 247 – 0358 867 306 – 0909 307 123 – 0903 908 671
Email: minhcuong@tincay.com; kinhdoanh@tincay.com; tincaygroup@gmail.com
Website: tincay.com | thuysantincay.com | nongnhan.com
Người hướng dẫn rất cụ thể dễ hiểu rất hữu ích. Ngoài ra cho tôi hỏi thêm nấu sôi và trộn trực tiếp cho heo rừng lai ăn theo tỉ lệ như thế nào là phù hợp nhất ? cách ủ men làm thức ăn gia súc thêm ạ ?
Dạ mình trộn theo tỉ lệ 1/100 – 1/50 là được ạ, hoặc ủ chua cỏ, rau! Ủ men thứ cấp: 1 lít EM gốc + 1 lít rỉ mật + 18 lít nước ủ trong 5 – 7 ngày