5 Điều Cần Biết Về Ủ Phân Hữu Cơ

1. Phân hữu cơ ủ hoai là gì?

Phân hữu cơ ủ hoai (hay còn gọi compost) là chất hữu cơ như phân chuồng, phụ phẩm nông nghiệp, phụ phẩm công nghiệp,…trải qua quá trình phân hủy sinh học dưới tác động của vi sinh vật, biến các chất này thành mùn ở dạng dễ tiêu hơn, tạo thành một loại phân bón giúp cung cấp cấp dinh dưỡng và cải tạo đất canh tác nông nghiệp.

2. Công dụng phân hữu cơ

Phân hữu cơ giàu chất dinh dưỡng do được trải qua quá trình mùn hóa. Nó được sử dụng nhiều trong canh tác nông nghiệp, vì có nhiều ích lợi cho đất và cây trồng như:

  • Tăng khả năng hút và giử nước của đất, giúp tiết kiệm nước và chi phí công tưới tiêu.
  • Điều hòa nhiệt độ đất trước thời tiết nắng gắt hay trời đông gió bắc, rất quan trọng cho cây trồng nhỏ có bộ tán chưa phát triển.
  • Tăng cường hoạt động vi sinh vật trong đất bằng việc bổ sung thức ăn, Oxy và môi trường sống cho chúng.
  • Cải thiện đặc tính hóa lý của đất, giúp đất thoát nước tốt hơn, tránh ngập úng dư thừa nước gây hại bộ rễ cây.
  • Tăng cường keo đất, axit humic giúp đất chống lại sự thay đổi pH, giữ được nhiều chất dinh dưỡng hơn, cây sử dụng phân bón hiệu quả hơn.
  • Phân hữu cơ chứa đầy đủ các loại dinh dưỡng từ đa lượng đến vi lượng và các chất điều hòa sinh trưởng cho cây. Giúp cây tăng năng suất chất lượng và phát triển ổn định hơn.
Đất trồng trở nên tơi xốp khi được bón phân hữu cơ
Đất trồng trở nên tơi xốp khi được bón phân hữu cơ

3. Quá trình ủ phân hữu cơ là gì?

Được hiểu đơn giản là quá trình tác động làm ẩm, đảo trộn giúp thông khí, bổ sung vi sinh vật vào vật liệu hữu cơ để các vật liệu này phân hủy thành chất hữu cơ dễ tiêu hóa hơn cho cây trồng chỉ sau vài tuần hay vài tháng. Quá trình này liên hệ chặt chẽ với các yếu tố đầu vào như chất hữu cơ cần ủ, nước, nguồn không khí, nguồn cacbon và vật liệu giàu nitơ.

Chất hữu cơ nhiều đạm như phân gà sẽ phân hủy chậm hơn so với chất hữu cơ ít đạm như lá cây khô, rơm rạ. Tùy thuộc vào loại vật liệu ủ mà phối trộn thêm sao cho phù hợp để tăng hiệu quả ủ (thời gian, chi phí) và đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra. Ngoài ra, quá trình ủ sẽ diễn ra tốt hơn khi được nghiền nhỏ, thêm nước tạo độ ẩm và thông khí bằng cách thường xuyên đảo trộn.

Các chủng vi sinh có trong  Trichoderma Bio-TC, EM-AG, EM-1 được sử dụng phổ biến và hiệu quả cho quá trình ủ phân, nhờ sự phân giải mạnh mẽ các vật chất hữu cơ và tiêu diệt nhiều loại mầm bệnh.

Tham khảo các sản phẩm hỗ trợ nông nghiệp sạch:

4. Các vật liệu cần có trong ủ phân hữu cơ

Chất hữu cơ

Chất hữu cơ là thành phần chính của quá trình ủ, các chất này thường là phân động vật trong chăn nuôi như phân gà, phân bò, phân heo từ các hộ gia đình, trang trại; các phụ phẩm nông nghiệp như xơ dừa, rơm rạ, vỏ trấu, vỏ cà phê.

Ngoài ra, các phụ phẩm từ rác thải sinh hoạt gia đình và từ ngành chế biến rau củ, thịt cá cũng có thể sử dụng làm phân hữu cơ. Các loại phụ phẩm nông nghiệp thường ít được dùng để sản xuất phân hữu cơ, do thành phẩm có giá trị dinh dưỡng thấp, thành phẩm sử dụng không cho hiệu quả rõ rệt.

Các loại phân chuồng như phân heo, phân gà có độ ẩm và dinh dưỡng cao, thường được trộn với rơm rạ, xơ dừa để giảm độ ẩm ướt, giúp quá trình ủ diễn ra tốt hơn và ít mùi, thành phẩm giàu dinh dưỡng hơn.

Phân bò và nền lót trại gà, loại phân hữu cơ thường được sử dụng
Phân bò và nền lót trại gà, loại phân hữu cơ thường được sử dụng

Vi sinh vật

Vi sinh vật là thành phần ảnh hưởng lớn nhất đến quá trình ủ, quyết định đến thời gian ủ phân, nguy cơ về mầm bệnh tồn dư và mức độ hôi thối trong quá trình ủ. Khả năng hoạt động của vi sinh vật trong quá trình ủ chịu tác động mạnh mẽ của các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, cacbon (có trong mật đường, đường nâu,…), Nitơ (có trong cám gạo, bánh dầu, phân DAP,…).

Nhóm vi sinh ưa ẩm sẽ hoạt động mạnh trong điều kiện ẩm ướt, nhóm vi sinh kén nhiệt sẽ hoạt động tốt trong điều kiện nhiệt độ thấp. Có 4 nhóm vi sinh vật hỗ trợ mạnh cho quá trình phân giải là vi khuẩn, xạ khuẩn, nấm (nấm mốc và nấm men), Protoza. Các nhóm vi sinh tương tác hỗ trợ nhau trong quá trình ủ phân.

Vi khuẩn có tác động phân giải các chất hữu cơ mạnh nhất, tùy theo điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thì khả năng hoạt động của các loại vi khuẩn cũng khác nhau. Xạ khuẩn phân giải mạnh các Xenluloze có nhiều trong các phụ phẩm nông nghiệp.

Nấm mốc và nấm men cũng phân giải rất nhiều chất hữu cơ, trong đó có nhiều chất mà vi khuẩn không phân hủy được, đặc biệt là Lignin có nhiều trong phụ phẩm nông nghiệp như xơ dừa, vỏ trấu. Protozoa thì có nhiệm vụ hỗ trợ các loại vi sinh phân giải các chất hữu cơ.

Các loại vi sinh ủ phân hữu cơ phổ biến hiện nay
Các loại vi sinh ủ phân hữu cơ phổ biến hiện nay

Nước

Nước tạo ẩm độ cho vi sinh vật phát triển, điều hòa nhiệt độ trong đống ủ giúp duy trì quá trình phân hủy. Trong quá trình ủ, nhiệt độ trong đống ủ tăng lên rất nhanh trong khoảng 1-2 tuần đầu, đỉnh điểm là có thể hơn 70 độ C.

Vì vậy mà lượng nước trong đống ủ bốc hơi mạnh, cần phải được kiểm tra thường xuyên và bổ sung kịp thời. Độ ẩm trong đống ủ nên được duy trì trong khoảng 50-80%.

Không khí

Không khí giúp điều hòa nhiệt độ đống ủ, cung cấp oxy cho hệ vi sinh vật hiếu khí phát triển và phân giải chất hữu cơ. Trong quá trình ủ, lượng oxy bên trong đống ủ bị giảm đi rất nhanh do được vi sinh vật sử dụng để phát triển và oxy hóa chất hữu cơ.

Lượng Oxy mất đi cũng gần như là lượng CO2 được tạo ra, khi đó thì vi sinh vật hiếu khí hoạt động kém đi và quá trình phân hủy kị khí được diễn ra mạnh mẽ hơn, sinh ra nhiều mùi hôi hơn, đặc biệt khi các vật liệu ủ là các chất hữu cơ giàu dinh dưỡng như phân heo, phân gà, phụ phẩm chế biến thịt cá.

Khi ủ phân hữu cơ cần thường xuyên đảo trộn đống ủ để tăng cường oxy vi sinh vật hiếu khí và quá trình ủ diễn ra nhanh hơn.

Đặt hệ thống ống PVC dưới đống ủ giúp thông khí dễ dàng
Đặt hệ thống ống PVC dưới đống ủ giúp thông khí dễ dàng – 5 điều cần biết về ủ phân hữu cơ”

Carbon và Nitơ:

Carbon và Nitơ được xem là nguồn năng lượng, dinh dưỡng để vi sinh vật trong đống ủ sinh trưởng và phát triển nhanh hơn. Mặt dù hầu hết các vật liệu hữu cơ sử dụng để ủ điều có cả hai chất này, tuy nhiên hàm lượng của chúng không cân đối và vi sinh vật khó lấy ra để sử dụng cho quá trình sinh trưởng và phát triển.

Nên các phương pháp ủ phân hiện nay người ta khuyến cáo bổ sung mật rỉ đường (nguồn Carbon thông dụng nhất) và cám gạo, bánh dầu, bột xương (sản phẩm giàu Nitơ) vào đống ủ, để quá trình diễn ra nhanh hơn.

Mật rỉ đường và cám gạo, nguồn cacbon và nitơ cho ủ phân hữu cơ
Mật rỉ đường và cám gạo, nguồn cacbon và nitơ cho ủ phân hữu cơ – 5 điều cần biết về ủ phân hữu cơ”

Tỷ lệ C/N (Carbon/Nitơ)

Tỷ lệ C/N (Carbon/Nitơ) của vật liệu ủ cũng ảnh hưởng đến quá trình ủ. Tỷ lệ C/N được khuyến cáo hiện nay từ 25/1 – 40/1 (tiêu chuẩn hữu cơ Hoa Kỳ USDA). Các vật liệu có tỷ lệ C/N cao như rơm rạ, xơi dừa, mạc cưa, lá cây,…

Các vật liệu có tỷ lệ C/N thấp như phân chuồng, rong biển, lá lục bình,…Vậy nên khi ủ phân chuồng nhiều Nitơ như phân gà, phân heo, các nhà chuyên môn thường khuyến cáo trộn thêm phụ phẩm nông nghiệm như rơm rạ, xơ dừa để cần bằng tỷ lệ C/N, giúp tối ưu quá trình ủ phân.

5. Các phương pháp ủ phân hữu cơ

Phương pháp ủ phân hiếu khí:

Đây là quá trình chuyển hóa sinh học vật liệu hữu cơ trong điều kiện có oxy với sự tham gia của các vi sinh vật hiếu khí. Sản phẩm của quá trình này là khí CO2, nước, nhiệt, chất mùn. Nhiệt sinh ra trong quá trình ủ giúp tiêu diệt các mầm bệnh, hạt cỏ dại.

Phương pháp ủ hiếu khí có thời gian ủ nhanh, chỉ từ 2-6 tuần. Ngoài mầm bệnh và cỏ dại được loại bỏ thì ủ hiếu khí còn giúp giảm mùi hôi, vi khuẩn gây bệnh và xua đuổi côn trùng. Ẩm độ khi ủ hiếu khí thường được duy trì tối ưu ở mức 50 – 60%, đảo trộn hay thông khí để đảm bảo nguồn oxy liên tục cho vi sinh vật phát triển và quá trình phân giải hiếu khí vật chất hữu cơ diễn ra liên tục.

Các phương pháp ủ hiếu khí phổ biến là ủ chất đống có đảo trộn thường xuyên, ủ chất đống cấp khí nhờ hệ thống APS.

Phương pháp chất đống được sử dụng phổ biến nhất hiện nay
Phương pháp chất đống được sử dụng phổ biến nhất hiện nay – 5 điều cần biết về ủ phân hữu cơ”

Tham khảo các sản phẩm hỗ trợ nông nghiệp sạch:

Phương pháp ủ kỵ khí:

Đây là quá trình phân hủy chất hữu cơ trong môi trường không có Oxy, nhiệt độ ủ từ 35-65 độ C. Sản phẩm của quá trình ủ ngoài mùn thì còn có các chất khí như CO2, CH4, NH3, H2S.

Phương pháp này có chi phí đầu tư thấp và dễ thực hiện. Tuy nhiên, quá trình ủ có thời gian rất dài từ 4-12 tháng, nguy cơ tồn dư mầm bệnh cao và sinh ra nhiều mùi hôi hơn. Phương pháp ủ kỵ khí phổ biến là ủ chất đống không đảo trộn.

Tác giả: Dương Ngọc Tàu

Mọi thông tin về “5 điều cần biết về ủ phân hữu cơ”, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ TIN CẬY

Địa chỉ: Số 4, Đường số 3, KDC Vạn Phúc, P Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 2253 3535 – 0902 882 247 – 0358 867 306 – 0932 063 123 – 0909 307 123 – 0903 908 671

Email: kinhdoanh@tincay.com; tincaygroup@gmail.com, tincay@tincay.com

Website: tincay.com | thuysantincay.com | nongnhan.com

Youtube: Cty Tin Cậy | Nông Nhàn | Thuỷ Sản Tin Cậy

Facebook: Tin Cậy Group | Thủy Sản Tin Cậy | Thông tin nông nghiệp & chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo