Chăm Sóc Cây Sầu Riêng Trong Mùa Mưa Bão

Cây sầu riêng là một cây trồng khó tính, bởi quá nắng, quá mưa, quá gió đều không ưa, thế nên muốn trồng sầu riêng thì bà con cần tìm hiểu trước để biết vùng đất nào là phù hợp tránh những thiệt hại không đáng có về sau.

Với những địa hình bằng phẳng và đất đồi với độ dốc từ dưới 300 là thích hợp trong canh tác cây sầu riêng, nếu trên 300 sẽ gây khó khăn trong trồng và chăm sóc tốt cho cây và dễ gây sạt lở đất trong giai đoạn cây 1-4 năm tuổi bởi bộ rễ chưa bám sâu vào tầng đất dốc, thêm vào đó độ dốc lớn làm cho trọng tâm cây phân bổ không cân xứng, dễ đổ ngã.

Nhớ lại câu chuyện hồi giữa năm 2023 tại đoạn đèo Bảo Lộc bị sạt lở nghiêm trọng và rơi ngay vào vị trí đất canh tác cây sầu riêng khoảng chừng 2-3 năm tuổi. Diện tích canh tác này nằm lọt thỏm giữa khu rừng nguyên sinh trải dài với dốc dựng đứng, vậy liệu có quá trùng hợp không, khi vị trí sạt lở lại rơi đúng vào nơi đây?

Đoạn đèo Bảo Lộc sạt lở ngày 30/07/2023.
Đoạn đèo Bảo Lộc sạt lở ngày 30/07/2023 (Nguồn: Internet)

Trở lại câu chuyện trồng cây sầu riêng, thì theo khuyến cáo của các chuyên gia nơi thích hợp trồng sầu riêng cần thỏa mãn các yêu cầu về sinh thái.

Yêu cầu về nhiệt độ: Sầu riêng là cây ăn quả nhiệt đới nên có thể sinh trưởng, phát triển ở nhiệt độ từ 24-300C, nhiệt độ dưới 130C có thể làm cây rụng lá, sinh trưởng chậm, cây có thể chết nếu kéo dài.

Yêu cầu nước và lượng mưa: Sầu riêng thuộc nhóm cây trồng mẫn cảm với mặn, chịu được nguồn nước có nồng độ mặn <1‰. Cây sầu riêng có thể sinh trưởng, phát triển ở nơi có lượng mưa từ 1.600-4.000 mm/năm. Nhưng tốt nhất là 2.000 mm/năm. Mưa nhiều có thể tốt cho sinh trưởng, tuy nhiên ẩm độ cao dễ phát sinh bệnh. Trong năm, cây cần một giai đoạn không mưa khoảng từ 2 tháng trở lên để giúp cây ra hoa tự nhiên thuận lợi, đặc biệt là vùng đất đồi không xử lý nghịch vụ được.

Yêu cầu về ánh sáng: Khi cây còn nhỏ, cây thích bóng râm nên cần che mát giảm lượng ánh sáng từ 30-40%. Khi cây lớn lên các cây tự che mát nhau, không cần che bóng và cây lớn cần ánh sáng đầy đủ để phát triển.

Yêu cầu về gió: Sầu riêng thích hợp gió nhẹ. Cây không chịu được gió mạnh hay gió bão. Tránh trồng sầu riêng nơi có gió mạnh trong điều kiện khô nóng.

Trung Quốc trong những năm vừa qua đã đầu tư nghiên cứu trồng 2.700ha sầu riêng tập trung tại phía Nam của đảo Hải Nam, tuy nhiên kết quả nhận lại vẫn không khả quan vì nó liên quan rất lớn đến điều kiện sinh thái.

Tại đảo Hải Nam, Trung Quốc với kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa phù hợp canh tác cây sầu riêng, tuy nhiên đảo Hải Nam phải hứng chịu lượng gió biển quanh năm và đặc biệt vào mùa mưa bão, sức gió tại đây đủ quật đổ nhiều diện tích cây trồng.

Như mới đây, vào đầu tháng 09/2024, tại đảo Hải Nam và miền Bắc Việt Nam đã phải hứng chịu cơn bão Yagi lịch sử với sức càng quét cực mạnh, khắp nơi liên tục ghi nhận tình hình sạt lở đất và ngập úng trên diện rộng và gió giật mạnh đã làm không ít cây đổ ngã. Cây sầu riêng rất dễ gãy đổ bởi gió, do đó, sầu riêng trồng tại đảo Hải Nam chỉ là một thí nghiệm mà khó có thể đạt được hiệu quả kinh tế như mong đợi.

Sầu riêng trồng tại đảo Hải Nam, Trung Quốc (Nguồn: Internet)

Là một nước láng giềng của Trung Quốc và cũng là đất nước có diện tích trồng sầu riêng lớn, Việt Nam chúng ta cần phát huy tối đa lợi thế này bằng cách ứng dụng các kỹ thuật sản xuất tiên tiến vào trong canh tác cây sầu riêng. Hơn thế nữa, vào mùa mưa bão là lúc cây sầu riêng mẩn cảm nhất nên cần có biện pháp bảo vệ phù hợp.

Nơi đồng bằng, bà con trước khi trồng sầu riêng cần xẻ hộc hoặc đắp mô cao để tăng độ dày tầng canh tác, chứa nước để tưới cây và cần có hệ thống thoát nước tốt tránh ngập úng mùa mưa.

Lên mô đất chuẩn bị trồng sầu riêng tại Đồng Bằng Sông Cửu Long
Lên mô đất chuẩn bị trồng sầu riêng tại Đồng Bằng Sông Cửu Long

Vùng đất cao như Đông Nam Bộ và Tây Nguyên thì phải chọn nơi có nguồn nước suối hoặc nước ngầm đảm bảo lượng nước tưới phục vụ quanh năm cho cây sầu riêng. Vùng đất cao có thể lên mô thấp, đường kính mô từ 70-80 cm, cao 30-40 cm. Chú ý không trồng sầu riêng quá sâu, ngập cổ rễ về sau dễ sinh bệnh, thối rễ.

Những nơi có gió hoạt động mạnh như Tây Nguyên cần chằng chống cây, tránh gãy cành, đổ gốc. Tùy vào diện tích vườn, có thể chia làm 10-20ha để trồng thêm các cây bản địa có chiều cao hợp lý, gỗ chắc để hình thành vành đai chắn gió xung quanh vườn sầu riêng và lưu ý không trồng các cây có cùng ký chủ bệnh, nhất là nấm Phytophthora spp. như dừa, cao su…

Neo cành, cột trái bằng dây
Neo cành, cột trái bằng dây

Ngoài ra, trong quá trình canh tác cũng nên chú trọng cắt tỉa cành, giữ cho khung tán được cân đối, tránh quá rậm rạp dễ sinh nấm bệnh vào mùa mưa. Ở một số nơi đã ưu tiên cắt ngọn giảm chiều cao cho cây để hạn chế tối đa sự tác động của gió.

Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ mang lại nhiều thông tin thực tế và hữu ích cho bà con. Hẹn gặp lại bà con ở những bài viết tiếp theo. Chúc bà con vụ mùa bội thu!

Tác giả: Nguyễn Hiền

Mọi thắc mắc về bài viết “Chăm sóc cây sầu riêng trong mùa mưa bão”, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ TIN CẬY

Địa chỉ: Số 4, Đường số 3, KDC Vạn Phúc, P Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 2253 3535 – 0902 885 547 – 0902 882 249 – 0932 063 123 – 0902 882 247 – 0909 307 123

Email: kinhdoanh@tincay.com; tincaygroup@gmail.com, tincay@tincay.com

Website: tincay.com | thuysantincay.com | nongnhan.com

Youtube: Cty Tin Cậy | Nông Nhàn | Thuỷ Sản Tin Cậy

Facebook: Công Ty Tin Cậy  | Thủy Sản Tin Cậy | Thông tin nông nghiệp & chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo